Trên khắp đất nước Việt Nam, ở các làng xã ngày xưa đều có Đình thần. Đình thần là nơi thờ phụng Thành Hoàng – người có công khai phá dựng làng, dựng nước tại địa bàn sở tại, tiền hiền và hậu hiền – những người tiếp nối đến mở đất dựng làng, dựng nước.


Đình làng còn là nơi sinh hoạt tín ngưỡng, văn hoá và tinh thần của cư dân trong một cộng đồng được xác định bởi một đơn vị hành chính cơ sở. Trải qua thời gian tồn tại lâu dài, do những biến động của lịch sử, một số làng, xã đã không còn đình làng. Tại ba ngôi làng tiền thân của Vũng Tàu còn ba ngôi đình. Có thể nói đình làng Thắng Tam là biểu hiện đặc sắc của đặc trưng văn hoá độc đáo của ngư dân miền biển – Vừa có những đặc điểm chung của đình làng Việt Nam, vừa có những nét riêng trong thờ cúng và sinh hoạt văn hoá – tín ngưỡng.

Đình thần Thắng Tam được xây dựng từ đời vua Minh Mạng thờ chung cả ba người đã có công xây dựng nên ba làng ở Vũng Tàu, đó là Phạm Văn Dinh, Lê Văn Lộc và Ngô Văn Huyền. Vào thời vua Gia Long, bọn hải tặc Malaysia xây căn cứ tại Vũng Tàu và là mối nguy cơ thường trực đối với các thương gia ra vào làm ăn tại thành Gia Định ( nay là TP. Hồ Chí Minh) thường hay đột nhập cửa sông Bến Nghé đón đường cướp bóc tiền bạc, hàng hoá. Để bảo vệ thương thuyền của người Việt, vua Gia Long liền phái ba đội quân đi trên ba chiếc thuyền bảo vệ sự thanh bình của bờ biển cửa ngõ, và khai hoang lập ấp, làm ăn sinh sống. Khoảng năm Minh Mạng thứ 3 (1822), tình trạng hải tặc không còn nữa, nhà vua ban chiếu khen thưởng chức tước, phẩm hàm và phần đất mà ba đội quân có công khai phá cho họ. Từ ba vị trí của ba đội quân dần dần hình thành nên ba làng. Làng thứ nhất gọi là làng Thắng Nhất do ông Phạm Văn Dinh cai quản, làng Thắng Nhì do ông Lê Văn Lộc cai quản, làng Thắng Tam do ông Ngô Văn Huyền cai quản. Sau này, ba ông trở thành Tiền Hiền được thờ tại ba ngôi đình của ba làng nói trên.

 Ngoài những giá trị mang ý nghĩa lịch sử, văn hoá, đình thần thắng tam còn lưu giữ những lễ hội in đậm văn hoá dân gian và bản sắc dân tộc. Lễ hội đình Thần Thắng Tam được tổ chức rất trọng thể từ ngày 17 đến ngày 20 âm lịch hàng năm và thu hút được rất nhiều dân địa phương cũng như khách du lịch.